Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Bão lũ ngày càng khốc liệt


Một nhân viên cứu hộ đang bơi trong sông bùn tại Atrani (Italy), tháng 9/2010.Ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương hay Vịnh Mexico, tất nhiên năm nào cũng có bão. Tuy nhiên, bão lũ đang ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô lẫn sức tàn phá. 18... 20... 25…, con số người chết cứ vùn vụt tăng lên từng phút, từng giờ! Nhân mạng bỗng trở nên nhỏ nhoi trong các cơn bão lũ thảm khốc diễn ra trên thế giới trong những năm trở lại đây, dù họ ở châu Á, châu Âu hay Mỹ Latinh…

Hơn cả chiến tranh
Nói thế không ngoa, tại miền Nam Trung Quốc, mưa như trút nước đầu tháng 8 vừa qua đã gây vỡ đê, sạt lở đất, cắt đứt hệ thống đường bộ, đường sắt. Hàng trăm ngôi nhà đã bị lũ bùn cuốn phăng. Nhiều khu chung cư cao tầng bị xẻ làm đôi hoặc bị ngập chìm trong bùn đất đến tận tầng 3. Tính sơ sơ, số người thiệt mạng đã lên tới con số khủng khiếp - 1.120 người và còn 627 người nằm trong danh sách bị mất tích... Chưa hết, tại Pakistan, một đợt lũ lụt kéo dài gần hai tuần giữa tháng 8 năm nay cũng khiến 1.600 người thiệt mạng và đưa số người chịu ảnh hưởng lên con số kỷ lục - 13,8 triệu, nghĩa là nhiều hơn 2,8 triệu người so với ba thiên tai trong quá khứ gần nhất gộp lại (3 triệu người bị ảnh hưởng trong trận động đất ở Pakistan năm 2005, 5 triệu người trong cơn sóng thần ở Indonesia và 3 triệu người trong trận động đất Haiti).
Trước đó, bão Nargis tràn vào Myanmar (5/2008) đã làm 138.000 người thiệt mạng và mất tích, 2,4 triệu người mất nhà cửa. Rồi 4 trận bão nhiệt đới, lần lượt mang tên Fay, Gustav, Hanna và Ike, liên tiếp đổ bộ vào Haiti và nhiều vùng lân cận vào tháng 8 và tháng 9/2008, làm hơn 800 người thiệt mạng, khoảng 1 triệu người bị mất nhà cửa…
Ngay cả đến quốc gia có hệ thống dự báo bão và phòng ngừa bão tối tân như Mỹ cũng không là ngoại lệ. Cơn bão tử thần Katrina (8/2005) tấn công vịnh bờ biển nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 người, gây tổn thất khoảng 200 tỷ USD. Rồi cơn bão Stan cùng năm đó cũng gây ra các trận lũ lụt ở các quốc gia dọc vùng Nam Mỹ, làm thiệt mạng 1.153 người…
Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 10/2009, miền Trung đã phải gánh hai cơn bão cực lớn là bão số 9 và số 11, làm chết và mất tích 298 người, thiệt hại về vật chất ước tính 1 tỷ USD. Năm 2010 chưa qua, nhưng hậu quả tàn khốc của đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ đối với người dân miền Trung cũng cướp đi sinh mạng 54 người, làm mất tích 20 người và bị thương 44 người.
Đâu phải lỗi tại Trời?
Theo Cơ quan trợ giúp thảm hoạ nước ngoài Mỹ (OFDA), nếu như năm 1980 chỉ có khoảng 100 thảm hoạ thiên nhiên mỗi năm, nhưng con số này đã tăng lên hơn 300 thảm hoạ mỗi năm kể từ năm 2000. Theo GS. Kerry Emanuel ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thì tốc độ gió tăng thêm 11% đồng nghĩa với việc thiệt hại do bão gây nên sẽ tăng thêm 60%. Điều đáng chú ý hơn là số lượng bão có cường độ yếu và trung bình sẽ giảm, trong khi những cơn bão mạnh sẽ tăng lên do tình trạng ấm lên của Trái đất.
Có rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng tới số lượng và sức tàn phá của bão. Các nhà khoa học tin rằng sự gia tăng các cơn bão lũ lớn là kết quả tất nhiên của sự liên kết giữa tự nhiên và các yếu tố do con người tạo ra. Cảnh báo toàn cầu cho biết sự gia tăng nhiệt độ của các châu lục trên Trái đất và bầu khí quyển, ảnh hưởng tới cường độ mạnh hơn của các cơn bão.
Con người gia tăng tác động tới tự nhiên bằng quá trình đô thị hoá nhanh và không có kế hoạch tại những khu vực dễ xảy ra lũ lụt. Điều này làm tăng khả năng xảy ra các trận lũ quét và lũ ven biển phá huỷ các thành thị và làng mạc. Con người cũng làm cho Trái đất nóng lên. Thực tế, nhiệt độ đại dương trên toàn cầu đã tăng khoảng 0,1oC trong 30 năm qua. Đại dương giống như một “động cơ nhiệt” tiếp sức cho các cơn bão. Theo GS. Emanuel, khi mặt nước biển càng ấm thì các cơn bão đang hình thành càng thu được nhiều không khí ấm và gia tăng cường độ. Nhiệt độ nước biển cứ tăng 1oC sẽ kéo theo mức tăng 31% các cơn bão cấp độ 4 và 5, tức là số lượng bão mạnh trung bình hằng năm tăng 13 lên 17 vụ.
Tất nhiên, những thay đổi mà con người gây ra với các vùng bờ biển và hệ thống khí hậu không phải là điều duy nhất ảnh hưởng đến cường độ của bất cứ mùa bão nào. Mẹ Thiên nhiên cũng tạo ra nhiều biến đổi. Sự thay đổi khí hậu thất thường của tự nhiên xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới một trận bão. Chẳng hạn, hiện tượng El Nino có thể làm thay đổi luồng không khí hiện tại và kiềm chế phát triển bão ở Đại Tây Dương. Các nhà dự báo thời tiết cho rằng chính El Nino là lý do làm cho mùa bão 2006 “trầm lắng”, nhưng 2 năm sau, bão dồn dập tới mức kỷ lục. Còn La Nina (nước ở Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn) sẽ thường xuyên gây bão.
Minh Minh (Theo Nature Geoscience, LiveScience)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét