Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Có phải Viện Bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa Thể thao & du lịch đã làm hỏng một di tích giữa Thủ đô?

Tân trang có làm “biến dạng” Ô Quan Chưởng?

Việt Chiến

Những ngày gần đây, dư luận Hà Nội xôn xao về việc di tích Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn sót lại của thành cổ sau gần 300 năm tồn tại, đang có nguy cơ bị “biến dạng” khi được tu bổ, tôn tạo.
Điều dễ thấy nhất là hình ảnh rêu phong cổ kính của Ô Quan Chưởng xưa kia đã bị thay bằng hình ảnh của một chiếc “cổng mới” với chiếc “áo choàng” bằng loại vật liệu màu nâu vàng vừa được sơn trát. Giữa dãy phố cổ cũ kỹ của Hà Nội, giờ đây Ô Quan Chưởng như một cổng ô vừa được “xây mới” chứ không giống một di tích lịch sử vừa được tu bổ, tôn tạo.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, ngụ gần khu di tích, cho biết: “Họ tu bổ di tích theo kiểu “giả cổ” mà lại chẳng ra vẻ “cổ kính” chút nào”. Chỉ vào bức tường gạch vừa được sửa chữa của cửa ô cũ, ông Lâm nói: “Các anh nhìn sẽ thấy ngay mấy hàng gạch mới vừa thay, trông rất đều đặn, chỉn chu, vuông thành, sắc cạnh. Nó khác hẳn mấy hàng gạch cổ phía dưới mang nét đẹp sần sùi, lồi lõm trông rất cổ kính. Ngay lớp sơn quét bên ngoài các bờ tường kia, người ta cũng cố tạo ra nước sơn “giả cổ” màu đất nhưng nhìn thấy ngay vẻ nhân tạo. Có một số chi tiết trông rất phản cảm như việc họ dựng một dãy ống dọc bờ thành để cắm cờ, rồi việc để cho từng bó dây điện bò ngoằn ngoèo từ dưới lên trên...”.
Ông Đinh Đông Hà (53 tuổi, nhà ở cạnh khu di tích) nhận xét: “Cũng có người khen họ làm mới cửa ô trông đẹp đấy. Nhưng “vẻ đẹp” của sự tân trang này trông như một bà già tóc bạc trắng vừa mới được “tô son, trát phấn”. Vẻ đẹp ấy tân kỳ quá khi họ dùng loại gạch “vồ” mới để sửa chữa chứ không phải loại gạch cổ cách đây mấy trăm năm các cụ xây cửa ô này. Di tích lịch sử là để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng và tất cả đều phải có tinh thần giữ gìn, bảo quản. Phố này là phố cấm ô tô, nhưng ban đêm xe tải 4-5 tấn vẫn chạy ầm ầm qua cổng Ô Quan Chưởng, làm sụt lún hết những viên đá cổ lát dưới cổng ô”. Ông Hà chỉ cho chúng tôi thấy lớp gạch mới xây năm 1994 và lớp gạch mới xây năm 2010 ở cổng ô này. Qua đó, có thể thấy rõ sự khác biệt giữa những lớp gạch cổ và những hàng gạch mới. Hỏi kỹ chuyện, chúng tôi được biết, gia đình ông Hà đã có bốn đời ở phố Ô Quan Chưởng và tên của ông cũng xuất phát từ tên gọi “Đông Hà môn” của cửa ô lịch sử này.

 Ô Quan Chưởng ngày xưa - Ảnh: tư liệu
Năm 2009, Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Mỹ đã công bố quyết định tài trợ số tiền 74.500 USD cho dự án bảo tồn, tôn tạo Ô Quan Chưởng trong Lễ ký kết dự án tài trợ diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Đại sứ Mỹ và Bộ VH-TT-DL. Đại sứ Mỹ Michael Michalak đánh giá Ô Quan Chưởng là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp và là một di sản đô thị quý giá của Việt Nam, công trình hiện đang phải chịu áp lực đô thị hóa và xuống cấp, cần được tôn tạo, bảo tồn.
Về việc tu bổ di tích Ô Quan Chưởng, Ban Quản lý di tích và danh thắng (QLDT&DT) Hà Nội cho biết: Ô Quan Chưởng đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Dự án Chống xuống cấp di tích Ô Quan Chưởng được tiến hành, chủ yếu tập trung vào các hạng mục nhỏ, thay lại những cấu kiện không đúng với nguyên gốc, sửa lại những kiến trúc vật chất bị rêu phong ăn hỏng, lắp lại hai cánh cửa, lát đá phía bên trong cửa ô. Ban QLDT&DT đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích - Bộ VH-TT-DL để tu bổ công trình này và tập trung xử lý triệt để các loại nấm mốc cùng các siêu khuẩn ăn vào gạch. Trong quá trình tu bổ, toàn bộ số gạch cũ không đúng niên đại của Ô Quan Chưởng đã được bóc ra, thay vào đó là gạch vồ, loại gạch được tìm thấy rất nhiều trong các đợt khai quật Thành cổ Hà Nội và đúng với loại gạch dùng để xây Ô Quan Chưởng xưa. 
Theo thông tin chúng tôi được biết, việc tu bổ Ô Quan Chưởng vẫn đang được TP Hà Nội tiếp tục triển khai và hiện nay, công trình này vẫn chưa được nghiệm thu. Vấn đề dư luận đặt ra là, phải chăng việc tân trang bước đầu công trình này có thể dẫn đến sự “biến dạng” di tích lịch sử nói trên? Do vậy, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng về văn hóa và bảo tồn cần có sự giám sát đặc biệt đối với việc tu bổ, tôn tạo công trình này, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc cho một cửa ô lịch sử duy nhất còn sót lại của Hà Nội.
 Ô Quan Chưởng tên gọi cũ là “Thanh Hà môn” và “Đông Hà môn”, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Cửa ô này được gọi là Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh của viên chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn đã chiến đấu chống Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội. Ô Quan Chưởng có lịch sử gần 300 năm tuổi, được xây dựng vào năm 1749 thời nhà Lê, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1994. Ô Quan Chưởng được thiết kế gồm vọng lâu, cửa chính và hai cửa bên, trên tường có gắn một tấm bia đá do Thống đốc Hoàng Diệu đặt năm 1881. Ngày nay, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, trong khi 15 cửa ô khác đều đã bị mất dấu bởi sự tàn phá của thời gian, chiến tranh.

Việt Chiến - Thanh Niên Online.

 HÌNH ẢNH Ô QUAN CHƯỞNG SAU TRÙNG TU
 

10h30 ngày 30 tháng 10 năm 2010, Ông Nguyễn Vinh Phúc gọi điện hỏi chuyện Ông Nguyễn Đức Hòa (Phó GĐ Sở VH -TT - DL Hà Nội) về chuyện Ô Quan Chưởng. Ông Hòa cho biết, đơn vị trùng tu di tích này là Viện Bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa Thể thao & du lịch (do ông Lê Thành Vinh là Viện trưởng). Ngành văn hóa thành phố HN không phụ trách việc tu bổ này.
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

Theo Blog Nguyễn Xuân Diện


Lời bình cuối. Đây không phải là tu bổ di tích cổ mà là làm hỏng di tích. Họ nói đã thay những viên gạch không đúng niên đại bằng những viên gạch "vồ" nào đó nhưng lại trát chít, sơn phết bằng những vật liệu thời nay, khoác cho di tích này bộ áo mới. Có phải Viện Bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa Thể thao & du lịch đã làm hỏng một di tích giữa Thủ đô?
Ở bên Đức, đôi khi giữa những toà nhà hiện đại to lớn ta gặp một lâu đài hoặc di tích cổ lỗ rêu phong. Di tích ở các nước đều được tôn trọng như vậy. Chẳng nói đâu xa hãy xem một vài tháp Chàm được chuyên gia Ba Lan giúp trùng tu trông chẳng khác gì những cái khác chỉ khác ở chỗ trông nó như một cái tháp còn nguyên, không ai nghĩ là nó mới được tu bổ. Hay như một ngôi chùa gần Hà Nội mới được trùng tu và được giải thưởng. Vẫn là ngôi chùa cũ nhưng được tu bổ mới y như ...... cũ (tức là như khi chùa chưa hỏng). Tuy nhiên những công trình được tu bổ đúng cách như thế có quá ít.
Điều đáng buồn ở đây là việc tu bổ này lại do một Viện Bảo tồn di tích của chính cái Bộ có trách nhiệm bảo tồn di tích thực hiện. Chắc trong báo cáo thành tích của Viện này luôn luôn có câu "Đây là Viện khoa học đầu ngành về bảo tồn di tích". 
Với một Viện như thế ở trong  một Bộ như thế trách nào những đền chùa, niếu mạo, di tích hàng trăm năm tuổi trong cả nước không  bị tu bổ theo kiểu .......phá cũ làm mới.
Thật đau xót khi di sản của cha ông để lại từ trăm ngàn năm nay lại nằm trong tay của những kẻ vô văn hoá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét