Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tại sao bãi biển Nha Trang - Mũi Né bị xếp loại tồi tệ?

Tin bãi biển Nha Trang bị tạp chí National Geographic xếp vào loại tồi nhất năm 2010 mấy ngày qua đã làm dư luận xôn xao. Các quan chức tỉnh Khánh Hoà thì nghi ngờ và cho rằng tạp chí này có những hiểu sai. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy họ có những lý do xác đáng trong chuyện này.
Mặc dù các tiêu chí xếp hạng đã được công bố rõ ràng nhưng nếu là độc giả thường xuyên của National Geographic ta sẽ hiểu kỹ hơn về những tiêu chí này.
Đây là một tạp chí của Hội địa lý Mỹ có bề dày lịch sử hàng trăm năm và có uy tín cao trên thế giới. Người ta có thể thấy tạp chí này được bày bán ở tất cả các sân bay quốc tế lớn cũng như ở các cửa hàng sách ở hàng trăm nước. Ngoài tạp chí, còn có kênh truyền hình riêng cũng phổ biến trên toàn cầu. Các nội dung của National Geographic (cả tập chí và truyền hình) rất phong phú, giới thiệu các vùng đất và các nền văn hoá trên thế giới. Họ rất chú trọng giới thiệu các cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ và kỳ thú, các di tích nổi tiếng. Các nền văn hoá, các tộc người, phong tục tập quán đặc sắc được điều tra rất kỹ để giới thiệu. Mỗi số tạp chí, mỗi bộ phim đều mang lại cảm giác mới mẻ và có sức thu hút rất lớn đối với độc giả hoặc khán giả mặc dù không bao giờ có bóng dáng của chân dài, chân ngắn hoặc sao này, sao nọ.
Trở lại với việc xếp hạng, trước hết phải nói xếp hạng tồi nhất này không phải chỉ riêng cho Nha Trang mà là toàn bộ dải ven biển từ Nha Trang đến Mũi Né. Thật đáng tiếc là dải bờ biển đẹp nhất Việt Nam này đã không được quy hoạch tổng thể mà bị băm nát bởi các khu nghỉ ngơi, biệt thự. Điều tệ hại là việc xây dựng thiếu qui hoạch đã phá hoại toàn bộ cảnh quan thiên nhiên của dải bờ biển đẹp như trong mơ này. Cho nên dễ hiểu là tại sao những năm trước, khi bờ biển còn hoang sơ, nơi đây đã được đánh giá cao. Cái giá trị cao quý ở đây chính là thiên nhiên chứ không phải những gì do con người tạo ra.
Một khách du lịch Pháp đã viết (Tuổi trẻ): “VN trong mắt chúng tôi là vùng đất nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, vì có cả biển xanh lẫn non cao. Dễ gì kiếm được một nơi có bờ biển trải dài khắp cả nước như tại đây và khá nhiều trong số đó được công nhận là đẹp nhất thế giới! Nhiều bạn bè tôi thậm chí không giấu nổi vẻ ganh tị khi nói về điều này.
Vậy tại sao cảm giác của tôi hiện tại là thất vọng, chán nản?
Tôi nghĩ nhiều du khách nước ngoài khác cũng có suy nghĩ tương tự. Hầu như ai cũng biết chuyện số lượng du khách quay trở lại VN rất thấp. Phần nhiều trong số đó thừa nhận đến VN chỉ vì danh tiếng của những bãi biển.
Hầu hết bãi biển VN mà tôi từng đặt chân đến hiện đang bị ô nhiễm và khai thác một cách tràn lan. Có những khu vực người dân xả thẳng rác thải, chất xú uế ra biển, nhiều nhà hàng trên biển không xử lý rác theo yêu cầu, nhiều con kênh, mương bốc mùi kinh khủng được vô tư dẫn ra biển... Dường như mọi người nghĩ rằng biển rộng lớn và trong xanh thế kia thì chắc hẳn số lượng chất thải nhỏ nhoi này đâu ảnh hưởng gì nhiều!”
“Ở Pháp, chúng tôi thường nâng niu những vật thể thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng và vì thế rất nghiêm khắc trong việc bảo tồn chúng. Bạn có thể là khách quý từ nơi xa đến ở tại nhà tôi, nhưng chúng tôi không chắc sẽ để bạn lấy những viên sỏi, những vỏ sò vô giá trị trên bãi biển đem về nhà... Nhiều người cho rằng đó là sự ích kỷ không cần thiết, nhưng chúng tôi lại cho rằng đó là hành động cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã và đang bị tàn phá quá nhiều.” 
Cùng với việc xây dựng tràn lan, ngoài việc mất đi cảnh đẹp tự nhiên, người dân và khách bình thường cũng bị tước mất luôn cơ hội du lịch nơi đây. Không phải mọi người dân và mọi khách du lịch nước ngoài đều có khả năng vào được các khu resort hoặc khách sạn đắt tiền. Nhiều người nước ngoài cũng thích được đến những bãi biển đông người chứ không phải chỉ quẩn quanh trong khu nghỉ ngơi riêng biệt. Ngoài bãi biển Nha Trang, đâu là chỗ công cộng cho mọi người có thể dạo chơi, tăm biển trong suốt dải ven biển đẹp này. Ở các nước văn minh, những vùng bờ biển đẹp nào cũng có những bãi biển công cộng. Đây là sự thể hiện của công bằng và đạo đức của những người có trách nhiệm.
Ở đây cũng phải nói là National Geographic cũng như các phương tiện truyền thông khác họ giới thiệu thiên nhiên và những cái chung mang tính cộng đồng chứ không ai đi quảng cáo hộ cho mấy cái resort. Vì vậy nếu bãi biển Nha Trang-Mũi Né chỉ toàn resort chắc chắn sẽ không chỉ bị tụt hạng mà còn bị mất đi một cơ hội quảng cáo tuyệt vời và miễn phí bởi National Geographic.
Số tiền mà Nhà nước ta bỏ ra để thuê CNN quảng cáo chưa chắc đã hiệu quả bằng những gì mà National Geographic làm nếu họ muốn. Có thể nói được National Geographic để mắt và giới thiệu là một cơ hội may mắn tuyệt vời. Vì quảng cáo trên CNN có thời hạn, còn tạp chí và phim của National Geographic thì lưu giữ mãi mãi và không chỉ giới thiệu một lần..
Như vậy, vấn đề là ở chỗ phải làm những gì để có thể nâng hạng, chứ không phải là nghi ngờ, thắc mắc và định “khiếu nại” như các quan chức Khánh Hoà định làm.
Cũng phải nói, nếu có ý định khiếu nại cũng nên thôi ngay. Vì đây là ý kiến độc lập của 340 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới chứ đâu có phải của riêng tạp chí. Chắc chắn là những chuyên gia này nhận xét độc lập và khách quan vì họ làm việc này không công, chẳng thiên vị ai. Và tất nhiên cũng không có cái chuyện vận động hậu trường hoặc đi đêm như thường thấy trong các cuộc thi ở xứ ta.  Việc khiếu nại, nếu có làm chỉ phơi bày thêm cái thiếu hiểu biết và sự háo danh vô lối.
Tốt nhất là các quan chức liên quan từ trung ương đến địa phương nên xem xét lại mình để nâng hạng cho bờ biển Nha Trang-Mũi Né. Việc nâng hạng ở đây là phải  bằng những hành động thiết thực chứ không đơn thuần là tuyên truyền vận động như việc bình bầu vô bổ cho vịnh Hạ Long mà ta đang làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét